Nếu nạn nhân bất tỉnh thật sự, ta có thể dùng hai tay ta nâng đầu nạn nhân nổi lên mặt nước, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ.
Tai nạn chết đuối xảy ra không chỉ đối với trẻ em mà cả với người lớn, đôi khi vì cứu người đuối nước mà người đi cứu cũng bị chết theo là điều thương tâm. Khi cứu người đuối nước phải biết một số kiến thức cơ bản sau:
Một là:
Không nên một mình mà phải hô hào mọi người biết cùng đến cứu trước khi xuống nước cứu nạn nhân. Nếu nạn nhân ở xa bờ, không thể hoặc không có vật dụng gì ném xuống cho nạn nhân cầm thì trước khi bơi ra phải bình tĩnh cởi bỏ quần áo thật nhanh, dùng miệng cắn áo, khi bơi đến gần tùy thuộc vào tình trạng nạn nhân mà có cách khác nhau, tránh trường hợp bị ôm cứng và cùng chết chìm với nạn nhân.
– Nếu nạn nhân còn ý thức nhận biết được người ra cứu, có khả năng tự nổi một phần thì tung áo ra cho nạn nhân cầm một đầu mình cầm một đầu đưa cao lên khỏi mặt nước và kéo họ vào bờ, chú ý không được sát nạn nhân, duy trì một khoảng cách mà họ không thể bám vào mình được.
– Nếu nạn nhân đang vùng vẫy nhưng mất kiểm soát được hành vi, đây là trường hợp nguy hiểm nhất, họ có phản ứng quyết liệt ôm cứng bất cứ cái gì vơ được. Với đối tượng này cần phải bình tĩnh tiếp cận ở phía sau dùng một tay nắm tóc gáy (hoặc áo) đưa đầu nạn nhân nhô cao khỏi mặt nước, bơi đứng bằng 1 tay và 2 chân ở phía sau nạn nhân để đưa họ vào bờ.
– Nếu nạn nhân đã chìm, khi lặn mò thấy phải đổi ngay vị trí, người cứu luôn ở phía dưới để đẩy nạn nhân lên mặt nước cho dễ đồng thời tránh bị ôm cứng.
– Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, dùng 2 tay đưa đầu nạn nhân nhô mặt lên mặt nước và tư thế nằm ngửa, người cứu bơi ngửa bằng 2 chân hoặc có thể thêm 1 tay ở phía dưới đưa nạn nhân vào bờ.
Hai là:
Khi bị nạn nhân ôm cứng, phải thật bình tĩnh thực hành động tác chính xác dứt khoát mới thoát được vì khi này phản ứng của nạn nhân là rất quyết liệt để giành sự sống.
Một số biện pháp xử lý tình huống nguy cấp:
1. Khi bị nạn nhân nắm cổ tay
Xoay cho một cạnh của cổ tay về phía tiếp xúc giữa ngón cái và bốn ngón còn lại của nạn nhân. Sau đó giựt mạnh, cổ tay ta sẽ tuột ra khỏi bàn tay nắm của nạn nhân.
2. Khi bị nạn nhân nắm một chân
Co chân bị nắm lại, dùng chân kia đạp mạnh vào cằm của nạn nhân. Ngay lập tức nạn nhân sẽ buông tay ra.
3. Khi bị nạn nhân bám chặt lấy cổ
Hít một hơi thật dài và lặn xuống sâu thêm cho họ buông ra. Nếu nạn nhân nhất định không buông, ta chắp hai tay lại như tư thế cầu nguyện, rồi hất bung lên trên cao.
Hoặc luồn hai tay của ta vào trong hai tay của nạn nhân, dùng hết sức một tay thì tống vào cằm của nạn nhân, một tay thì xô mạnh tay của nạn nhân cho tuột ra, rồi nắm lấy cổ tay của họ, vừa trấn an vừa bơi đưa vào bờ.
4. Khi bị nạn nhân ôm chặt từ phía sau
Lần tìm đến ngón út của nạn nhân và bẻ ngược mạnh về phía sau, nạn nhân sẽ buông ra ngay tức khắc.
5. Khi bị nạn nhân ôm ngang ngực
Vít đầu nạn nhân vào phía mình, đồng thời dùng đầu gối chống vào bụng họ. Nếu họ chưa buông, ta lấy lòng bàn tay tì vào cằm nạn nhân mà đẩy ra.
6. Khi bị nạn nhân ôm cứng hai tay
Trụt xuống, dùng hai vai hích mạnh tay nạn nhân. Dùng tay phải đẩy họ ra sau và đầu gối trái tì vào bụng.
7. Gỡ hai người đang ôm cứng nhau
Bơi vòng ra sau lưng, vòng 2 tay ôm cằm một nạn nhân làm điểm tựa, dùng một chân đạp vào háng và một chân vào ngực của nạn nhân kia, cùng một lúc đạp mạnh để hai nạn nhân rời ra khỏi nhau. Sau đó ta tìm cách dìu họ vào bờ.
Ghi chú
Trong trường hợp cần thiết, chúng ta có thể đấm hoặc chặt vào gáy cho nạn nhân ngất đi để việc cấp cứu được dễ dàng.
Ba là
Một số tư thế dìu nạn nhân vào bờ khi vị trí cứu thủy nạn ở rất xa bờ, tùy tình trạng nạn nhân và khả năng của người cứu mà thực thi hoặc thay đổi để tránh suy giảm thể lực.
– Cách thứ nhất
Nạn nhân nằm ngửa, người cứu hộ bơi ở phía sau nạn nhân, một tay dùng để bơi, một tay vắt lên ngang ngực xốc chéo qua nách bên kia. Bơi kiểu nhái đưa họ vào bờ.
Kiểu này khiến người cứu hộ khá mệt, nhưng làm cho nạn nhân được an toàn tuyệt đối.
Điều kiện: người được cứu phải khá tỉnh táo và có biết bơi đôi chút.
– Cách thứ 2
Nâng cằm nạn nhân cho nằm ngửa hẳn mặt lên, như thế mũi (cơ quan hô hấp) của nạn nhân sẽ được thoát ra khỏi mặt nước. Người cứu hộ có thể dùng tay còn lại để bơi bên cạnh vừa bơi vừa dìu nạn nhân vào bờ.
– Cách thứ 3
Nếu nạn nhân đã bất tỉnh thật sự, ta có thể dùng hai tay ta nâng đầu nạn nhân nổi lên mặt nước, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ.
– Cách thứ 4
Nếu nạn nhân có trọng lượng nhẹ hơn ta và đã bất tỉnh. Ta có thể bơi ngửa, dùng ngực để đỡ đầu nạn nhân, hai tay xốc dưới nách cho nạn nhân nằm sải với tư thế thoải mái. Hai chân đạp kiểu nhái đưa nạn nhân vào bờ.
– Cách thứ 5
Nếu nạn nhân còn có khả năng bơi một ít thì giám hộ bơi bên cạnh, nạn nhân bơi sấp, người cứu hộ bơi đứng ở phía sau một chút dùng môt tay nắm lấy nách nạn nhân nâng nên cao để hỗ trợ thêm lực nổi cho nạn nhân
Bốn là
Khi đưa được nạn nhân vào bờ, nhường công việc cấp cứu ngạt nước cho người ở trên bờ, trường hợp không có ai hoặc có khả năng hơn hẳn những người còn lại thì mới làm tiếp việc cấp cứu ngạt nước.